top of page
Tìm kiếm

Nơi học sinh nghèo được học miễn phí và nhận bằng quốc tế ở Sài Gòn


TOÀN NGUYỄN - ẢNH: QUỲNH TRÂN, THEO TRÍ THỨC TRẺ 07:00 07/08/2016Chia sẻ113 BÌNH LUẬN

Các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ được nuôi ăn ở, đào tạo nghề và học tiếng Anh hoàn toàn miễn phí. Đồng thời, trường cũng cấp bằng quốc tế để học viên có cơ hội ra nước ngoài phát triển nghề nghiệp.

Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, con người ta thường mong muốn tìm đến điều gì đó an yên để vui sống với con cháu những ngày tháng còn lại của cuộc đời. Thế nhưng với ông Francis Văn Hội (65 tuổi, Việt kiều Đức) thời gian này chính là lúc để ông được làm những việc đền đáp cho quê hương.

Rời xa gia đình ở Đức, một mình trở về Việt Nam sau bao nhiêu năm trời tha phương, có lẽ đây là quyết định liều lĩnh nhất trong cuộc đời ông Hội. Ấy vậy mà chưa một lần người đàn ông này hối hận về điều đó. Hạnh phúc lớn nhất của ông bây giờ là hàng ngày ông được cười đùa, cống hiến và dạy dỗ học viên của mình những bài học về nghề và người.

📷

Niềm vui mỗi ngày của thầy Hội là được dạy dỗ các bạn học viên của trung tâm.

Current Time0:00/Duration3:28Auto

Ngôi trường Sài Gòn miễn học phí và cấp bằng quốc tế cho học sinh nghèo - Thực hiện: Quỳnh Trân

"Cả tuổi trẻ đã cống hiến nơi xứ người, giờ là lúc làm điều có ích cho quê hương"

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi có dịp ghé thăm ngôi trường mang tên Anre Maisen nằm trên con đường Nguyễn Văn Lạc (quận Bình Thạnh) của ông Hội. Trong khuôn viên ngôi trường phủ nhiều cây xanh, có một nhà hàng nhỏ phong cách Âu, là nơi để các học viên trong trường áp dụng các bài học vào thực tế.

📷

Nhà hàng khang trang này là nơi phục vụ khách hàng và cũng là nơi để các bạn học viên thực tập công việc.

Trước cửa nhà hàng có dán hẳn một bảng thông báo rằng: "Học viên đang được đào tạo - Xin quý khách thông cảm". Bạn có thể đến quán cafe - nhà hàng này để nhâm nhi một tách trà, ăn bánh ngọt, và được những học viên phục vụ tận tình hết mức có thể. Đối với họ, bạn không chỉ là một người khách mà còn là người đánh giá khả năng thực hành của họ.

📷

Học viên được đào tạo phục vụ theo phong cách chuyên nghiệp phương Tây.

Hiện tại, trung tâm đã đón nhận 105 học viên từ nhiều vùng miền trên cả nước đến học tập và sinh sống. Thấy chúng tôi đến, thầy Hội nở một nụ cười hiền, rồi đon đả bước ra mời đi tham quan ngôi trường.

"Thầy sang Đức năm 23 tuổi, cả một thời tuổi trẻ cống hiến hết sức lực cho xứ người, nên trong tâm luôn đau đáu một nỗi niềm được trở về quê hương để làm điều gì đó cho đất nước" - thầy Hội bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng một nỗi niềm của người con xa xứ.

📷

Một bạn trẻ mồ côi ở chùa đến xin được học nghề, thầy Hội cùng các học sinh của mình đang phổ biến các nội quy và chính sách của trường.

Đó là những đêm nằm nhớ quê hương đến rơi nước mắt, nhớ từng bờ dậu, mái tranh, nhớ từng hàng cây, đồng lúa. Chính nỗi nhớ nhung da diết ấy đã thôi thúc người con xa quê trở về với đất mẹ. Năm 1999, sau khi các con lập gia đình và ổn định công việc, thầy Hội một mình trở về Việt Nam để thực hiện ước nguyện cuối cùng của cuộc đời mình.

Thầy tâm sự: "Đã đến lúc thầy phải làm những việc để đền đáp quê hương. Thầy vốn xuất thân từ trại mồ côi nên luôn thấu hiểu những khó khăn mà các em mồ côi gặp phải trong cuộc sống. Với mong ước dạy cho các em một nghề nghiệp vững vàng để có thể nuôi sống bản thân, thầy đã ấp ủ dự định thành lập một ngôi trường dạy nghề miễn phí".

📷

Tất cả các chi phí từ ăn ở sinh hoạt đến học tập đều được miễn phí cho những học viên nghèo.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm làm việc trong ngành, thầy Hội đã bắt tay vào xây dựng một Trung tâm đào tạo nghề Nhà hàng - khách sạn cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng để thực hiện dự án trên thực tế là cả một con đường dài với vô vàn khó khăn.

"Số tiền thầy đem về nước không đủ nên thầy phải chạy vạy đi xin các mạnh thường quân hỗ trợ, rồi lo chuyện xin phép các cấp chính quyền. Và rồi sau nhiều năm chuẩn bị, đến giữa năm 2014, ngôi trường đào tạo theo tiêu chuẩn Đức cũng đã được thành lập". - thầy Hội hào hứng kể.

📷

Không chỉ là trường học, nơi đây chính là ngôi nhà thứ 2 của nhiều phận đời khó khăn, phải từ bỏ việc học để sớm mưu sinh.

Rửa chén, dọn vệ sinh trước khi vào nghề chính

Ở trường Anre Maisen, các em học viên phải đáp ứng đủ các điều kiện là tuổi từ 16-22, có chứng nhận của địa phương là hộ nghèo, cận nghèo hoặc là mồ côi cha mẹ thì mới được nhận vào học.

📷

Thầy Hội tâm sự: "Dạy cái nghề cho các em dễ lắm! Nhưng dạy làm sao để các em thành người thì là điều không dễ dàng". Mỗi học viên khi đăng ký vào trường sẽ có 2 tuần thử thách làm công việc rửa chén và lau dọn nhà vệ sinh, nếu vượt qua được thời gian này thì các em sẽ được tiếp tục ở lại trường học nghề.

📷

Các học viên được rèn luyện từ những công việc nhỏ nhất.

Thầy Hội cho biết lý do tồn tại quy định này là vì thầy muốn các em phải làm từ những công việc thấp kém nhất để hoàn thiện bản thân trước khi bước lên những bậc cao hơn. Để làm thầy trước tiên phải làm thợ, muốn chỉ đạo người khác thì trước tiên phải nghe la mắng để biết mình sai ở đâu, đó là những điều mà thầy Hội mong muốn các bạn học viên cảm nhận được.

📷

Để trở thành một người quản lý tốt trước tiên các bạn phải làm một người phục vụ giỏi.

Y Mui (19 tuổi, dân tộc Ba Na) chỉ vừa vào trường được 8 tháng nhưng cô bạn cảm thấy rất thích thú với công việc ở đây: "Gia đình em rất đông người, mà bố mẹ đều già yếu, em không có tiền để học Đại học nên ở nhà làm nương rẫy. May mắn được giới thiệu vào đây học, em cảm thấy rất hạnh phúc. Thầy Hội dù khó tính nhưng dần dần em cũng quen và hiểu rằng thầy khó là để chúng em trưởng thành".

📷

Y Mui rất thích môi trường học tập và làm việc ở trường.

Vì đa số các giảng viên trong trường đều là người nước ngoài nên trong 3 tháng đầu tiên, các học viên sẽ được học tăng cường tiếng Anh để giao tiếp với giảng viên. Bắt đầu từ năm thứ 2 thì các học viên sẽ được đưa đến những nhà hàng, khách sạn tại Sài Gòn để thực tập.

Do chương trình đào tạo của Trung tâm Anre Maisen được Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Đức tại Việt Nam (viết tắt là AHK Vietnam) phối hợp thực hiện nên kết thúc 3 năm học, các em học viên sẽ được thi tốt nghiệp hoàn toàn bằng tiếng Anh, do AHK Vietnam giám sát, chấm điểm và cấp bằng.

Vừa qua, kỳ thi giữa kỳ của trường cũng đã tổ chức vào tháng 1. Nội dung bài thi cũng như quy trình chấm thi đều được thực hiện theo tiêu chuẩn của CHLB Đức và được quản lý, phối hợp bởi Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Đức tại Việt Nam. Với tấm bằng mang đẳng cấp quốc tế được công nhận bởi CHLB Đức, các học viên sẽ có khả năng phát triển nghề nghiệp ở nước ngoài.

📷

Các thầy cô trong trường đa số là người nước ngoài.

📷

Các học viên được học tiếng Anh xuyên suốt trong 3 năm học.

Hiện tại, nguồn tài chính để duy trì ngôi trường vẫn luôn là vấn đề nan giải khiến thầy Hội phải lao đao. Vừa chăm lo hoạt động của trường thầy vừa liên hệ mạnh thường quân hỗ trợ. Đồng thời mảnh đất mà thầy Hội thuê để làm trường học đang nằm trong diện giải tỏa, thế nên thầy cũng mong muốn một ai đó có thể giúp đỡ một khu đất để xây dựng một ngôi trường mới khang trang hơn cho các em.

📷

Hai học viên thực hành phục vụ bia tươi cho các khách hàng.

"Thầy rồi sẽ già đi và chết, nhưng thầy tin những thế hệ sau với cái tâm của mình sẽ thay thầy tiếp quản ngôi trường, để có thêm thật nhiều em xuất thân khó khăn được giúp đỡ" - thầy Hội chân thành tâm sự.

📷

Thầy nói, đến một ngày nào đó thầy không còn đủ sức để đến trường, thì thế hệ sau sẽ thay thầy làm điều đó.

Thế là sau mấy mươi năm tha phương nơi đất khách, đến cuối cùng thầy Hội cũng đã thực hiện được ước nguyện của mình. Con người ta có rất nhiều cách để trả nghĩa quê hương, và tôi tin rằng cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, thầy Hội vẫn sẽ luôn tự hào về những điều mà thầy đã làm được cho mảnh đất đã sinh ra mình.

122 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Francis School

Francis School Update: February, 18/2018 - 09:00| German-style: A student practices to serve European dishes under foreign instructors in Anre Maisen Hospitality Training Centre.Viet Nam Newsby Bích H

BEYOND LESSONS

bottom of page