top of page
Tìm kiếm


Tiền Phong13/02/18 07:03 GMT+73 liên quanGốcVượt qua những định kiến hẹp hòi, từ bỏ danh vọng, giàu sang và những cơ hội kiếm tiền, ông bán hết sản nghiệp ở Ðức trở về Việt Nam mở trường dạy nghề miễn phí cho trẻ em nghèo. Ông chấp nhận cuộc sống thiếu trước hụt sau và những bữa ăn có khi chỉ rau muống luộc chấm muối.

📷

Ông Francis Nguyễn Văn Hội.

Không quên nguồn cội

Francis Nguyễn Văn Hội là con cả của một gia đình đông con sống dựa vào 3 công ruộng phèn ở Nhơn Trạch (Đồng Nai). Ông nhớ lại: Thời đó chưa có lúa thần nông. Trồng lúa thường trên ruộng phèn, mỗi năm chỉ được một vụ. Năm nào mất mùa thì đói. Tôi lớn lên trong sự bao bọc của các cha xứ trong Viện mồ côi. Sau này sang Đức, tôi thành công nhưng tôi không bao giờ quên cội nguồn, rằng mình là người Việt Nam, xuất phát từ giai cấp nghèo khó”.

Rời Việt Nam trong những ngày đất nước đang ngất ngây niềm vui thống nhất, ông Hội sang Đức định cư và không ngừng làm việc, trở thành một trong 6 người Việt Nam thành công nhất. Ông nổi tiếng trong ngành khách sạn, tham gia nhiều chương trình quốc gia về Bếp Á Châu, Bếp Việt. Các tập đoàn lớn thường mời ông tư vấn khi muốn đặt những bữa tiệc lớn cần các món ăn Á Châu.

Francis Nguyễn Văn Hội được mời làm giám đốc một tập đoàn chuyên về cung cấp suất ăn công nghiệp cho các công ty, văn phòng trên toàn nước Đức. Ông mở nhà hàng, công ty cung cấp thực phẩm Á Châu cho các nhà hàng Đức và về Việt Nam mua hàng xuất sang Đức.

"Vì hoàn cảnh đất nước luôn có chiến tranh mà chúng ta nghèo, nên những người nặng lòng với quê hương luôn muốn đất nước mình trở nên giàu có. Ðất nước mình vẫn còn nhiều trẻ em nghèo. Ðó là hình ảnh của tôi 50 năm trước”.

Ông Nguyễn Văn Hội

Giải thích cho quyết định trở về quê hương, ông Hội trải lòng: “Chúng tôi có nhà riêng, một tài sản lớn, cả ba cháu được học hành đàng hoàng ở Đức, nhưng tôi không bao giờ quên mình từng là một đứa trẻ nghèo. Vì hoàn cảnh đất nước luôn có chiến tranh mà chúng ta nghèo, nên những người nặng lòng với quê hương luôn muốn đất nước mình trở nên giàu có. Đất nước mình vẫn còn nhiều trẻ em nghèo. Đó là hình ảnh của tôi 50 năm trước”.

Hình ảnh những đứa trẻ thiếu ăn, không được đến trường luôn thôi thúc ông phải làm một điều gì đó. Francis Nguyễn Văn Hội tâm sự, đã ấp ủ dự định quay về Việt Nam suốt ba mươi năm và đã tự vấn rất nhiều bởi biết đâu đó chỉ là một sự bốc đồng nhất thời.

“Tôi là người miền Nam, một trí thức vượt biên sau chiến tranh rõ ràng không phải là một hình ảnh đẹp. Tôi từng do dự, nhưng khi về Việt Nam nhiều lần, tôi nhận thấy tình hình không đáng lo ngại như vậy. Làm việc với các cơ quan chính quyền trình bày nguyện vọng ai cũng ủng hộ”, ông Hội nhớ lại.

Năm 2005, Francis Nguyễn Văn Hội hồi hương. Ông kể: “Cháu út đỗ đại học, tôi bàn với vợ và các con bây giờ bố còn một ít sức khỏe, trí tuệ mà chưa làm gì được cho Việt Nam. Bố muốn về giúp những đứa trẻ nghèo như bố ngày xưa. Bà ấy và các cháu ủng hộ”.

Ông Hội quyết định bán hầu hết gia sản, chỉ để lại một công ty để nuôi sống gia đình và trở về nước. Ban đầu, ông mở một trường dạy nghề miễn phí cho trẻ em khuyết tật ở Thái Bình. Ông Hội lập một nhà mở chăm sóc những đứa trẻ bị kỳ thị xa lánh vì có cha mẹ bị bệnh phong (cùi). Trung tâm đào tạo nghề Nhà hàng – Khách sạn Anrê Mai Sen là trường thứ ba ông thành lập ở Việt Nam.

📷

Ông Hội đang hướng dẫn cho các học viên đầu bếp nấu các món ăn.

Hết lòng vì thanh thiếu niên nghèo

Một chiều cuối năm, trong gian bếp của trung tâm Anrê Mai Sen, ông Hội tất bật hướng dẫn học viên nấu các món ăn. Các bạn trẻ được nhận vào học gia đình đều thuộc diện hộ nghèo. Một số học trò cũ đang làm việc trong các nhà hàng cũng tranh thủ đến giúp thầy. Ông Hội cho biết trung tâm đã hoạt động gần 5 năm. Khi sang Đức, ông học làm đầu bếp. Các bạn trẻ học nghề này rất dễ tìm việc làm, không đòi hỏi phải có trình độ học vấn cao và phù hợp mọi độ tuổi. Ngoài nghiệp vụ do ông Hội và các giáo viên người Đức trực tiếp hướng dẫn, các học viên còn được học tiếng Anh từ các giáo viên đến từ Anh, Mỹ.

Hiện tại, trung tâm có 125 học viên chia làm ba nghề: Quản lý nhà hàng và dịch vụ; đầu bếp và làm bánh. Sản phẩm làm ra phục vụ cho thực khách nhà hàng. Ông Hội cho biết, nguồn thu sau khi trừ thuế, phí chỉ vừa đủ nuôi các em ngày ba bữa ăn vì nhà hàng chưa đông khách, giá lại “mềm” nên lợi nhuận không nhiều.

“Tôi thuê cho các em hai căn nhà để ở nội trú. Một dành cho nam và một dành cho nữ. Khoảng 10 em có gia đình trong TPHCM ở bán trú. Mỗi tháng, tiền thuê nhà cho các em tốn khoảng 45 triệu đồng. Tiền thuê nhà, thuê giáo viên được một số tổ chức từ thiện ở Đức hỗ trợ. Năm nào tôi cũng về Đức một lần thăm gia đình và đi xin”, ông Hội chia sẻ.

Từ một triệu phú trở thành một người “đi xin”, ông Hội cho biết so với thời gian đầu, những khó khăn hiện nay không đáng gì.

Ông Hội tâm sự, trung tâm ban đầu hoạt động được là nhờ các nhà hảo tâm. Nhiều người nghi ngờ nên không giúp nhiều, ở nước ngoài thì cũng giới hạn. Là Việt kiều, đi thuê nhà nên ông cũng bị công an chú ý và tháng nào cũng tới kiểm tra, chủ nhà thấy phiền phức quá bắt ông dọn đi.

Có nhiều đêm buồn quá ông tự vấn mình, rằng làm chi cho cực vậy? Bỏ đi!… Nhưng sáng ra, thấy các học viên chăm chỉ học việc thì nỗi buồn tan biến từ lúc nào không hay. Năm đầu tiên, ông nhận nuôi 40 học viên. Các năm sau bình quân mỗi năm nhận 50 -60 học viên. Nhà hàng giúp các học viên thực tập không đủ nuôi cả trăm người, ông phải sang một số nước châu Âu xin giúp đỡ nhưng không đủ.

“Có những ngày thầy trò luộc rau muống chấm muối ăn. Nhiều lúc thấy các em ăn khổ, tôi cũng chạnh lòng nhưng các em nói ở dưới quê tụi con cũng ăn như vậy, ở đây còn được học nghề”, ông Hội kể.

Thành lập ba năm đầu là vất vả nhất. Ông vừa xây trường, vừa tự mình đi tìm các cháu. Ông Hội nhớ lại: “Cứ 3 giờ sáng tôi phải đi chợ, về nhà 5 giờ nổi lửa, cùng với các em dọn bàn, thái rau... Nhiều em chưa biết cầm con dao hay trong con heo, miếng nào dùng để nấu món gì. Hầu hết trong bếp là các em trai mà con trai ở dưới quê cha mẹ thường không cho vô bếp.

Huy Thịnh

200 lượt xem0 bình luận
bottom of page